"Tôi không nghĩ yếu tố quyết định là khả năng bởi có rất nhiều người giỏi nhưng người giàu khác ở chỗ, họ thực sự tin tưởng vào bản thân mình".
Chia sẻ của Steve Sielbold - tác giả cuốn "How rich people think" gồm những câu chuyện làm giàu thú vị mà ông tích cóp suốt 30 năm qua thông qua những lần phỏng vấn các triệu phú, tỷ phú nổi tiếng thế giới.
> Điều gì đã khiến ông tìm thấy cảm hứng trong việc khám phá đời sống của giới siêu giàu?
- Năm 1984, tôi vẫn còn là một sinh viên nghèo và thực sự rất mong trở nên giàu có. Nhưng tôi cảm thấy mình không được cung cấp những thông tin hữu ích mà tôi cần từ các lớp chuyên ngành kinh doanh ở trường đại học.
Một số giáo sư kinh tế có vẻ như thường xuyên hạ thấp vai trò của sự giàu có, của người giàu trong các bài giảng và điều này đối với tôi chẳng có nghĩa lý gì cả.
Do đó, tôi bắt đầu tìm kiếm những nguồn thông tin bên ngoài cho tới khi tôi gặp được một triệu phú nhận lời phỏng vấn của tôi.
> Tìm ra triệu phú đó có khó không?
- Có chứ bởi vì tôi gần như chẳng quen biết triệu phú nào. Hồi đó, tôi chỉ như một đứa trẻ mặc dù đã 19 tuổi. Và rồi tôi phát hiện thấy người giàu không thực sự thích phô trương sự giàu có của họ. Phần lớn người giàu có, theo kinh nghiệm của tôi, không giống Donald Trump.
Họ ở thái cực hoàn toàn đối lập. Họ muốn được một mình, bởi ngay khi mọi người biết họ lắm tiền nhiều của, họ sẽ bị bám theo và giới truyền thông dĩ nhiên chẳng buông tha họ. Họ muốn một cuộc sống không ồn ào và không khoa trương.
Trong số những người giàu có mà tôi tiếp cận để phỏng vấn, chỉ rất ít người chấp thuận đề nghị của tôi.
> Ông thấy có điểm chung gì giữa những người giàu có?
- Hệ thống quan điểm, niềm tin của họ về tiền bạc chẳng khác nhau là bao, mặc dù họ có thể rất khác về tính cách - có người sống rất nội tâm, có người lại cực kỳ quảng giao.
Đối lập với quan điểm tiêu cực mà không ít người nhìn nhận về tiền bạc, họ đều suy nghĩ đến tiền như một sự tự do. Họ thực sự sở hữu mối quan hệ rất tích cực với tiền bạc.
> Những triệu phú làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng đơn giản là vì họ lao động miệt mài và chăm chỉ hơn phần lớn chúng ta?
- Phần lớn mọi người cho rằng giàu có là do may mắn trời cho. Không ít người đinh ninh rằng người giàu kiếm tiền không phải từ lao động vất vả, từ suy nghĩ chiến lược, có tính toán.
Trên thực tế, luôn tồn tại những kẻ dùng mánh lới, thủ đoạn để kiếm tiền nhưng theo ý kiến của tôi, số đó ở phía những người giàu cũng chẳng nhiều hơn so với ở bộ phận người nghèo.
Có một điều thú vị mà tôi nhận thấy là những người giàu tự lực làm nên thường bị ghét, ngay cả ở những đất nước giàu có nhất thế giới. Sự phân biệt đối xử đó thật đáng buồn bởi tôi nghĩ, chúng ta cần tôn vinh những con người như thế.
> Tỷ phú Richard Branson có nói, với những người muốn leo lên đỉnh núi, họ phải đặt ra những mục tiêu có vẻ không thể với tới cho chính mình và vượt lên trên mục tiêu đó. Theo ông, Branson đã đúng?
- Có vẻ như tất cả họ đều làm như thế. Người giàu đề ra mục tiêu rất lớn cho mình: họ muốn du thuyền, họ muốn các dinh thự đắt tiền làm nơi nghỉ dưỡng. Một người từng nói với tôi rằng anh ta sẽ mua một công ty 400 triệu USD và sẽ bán lại với giá 4 tỷ USD.
Trên giấy tờ, anh ta và người đồng sự chỉ có thể bán lại công ty với giá 1 tỷ USD nhưng họ vẫn đặt ra mục tiêu 4 tỷ USD để nỗ lực ở mức tốt nhất có thể.
Những người như Branson luôn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng và họ đạt được chúng. Sau đó, họ tiếp tục chu trình ấy.
Trước khi họ kiếm được 1 triệu USD đầu tiên, họ có thể chẳng tin mình kiếm được. Nhưng một khi họ vượt qua được trở ngại ban đầu ấy, mọi thứ dường như trở nên dễ dàng hơn. Tài sản họ cứ nhân lên mãi, bất chấp mọi người cho rằng, họ có thể "trèo cao ngã đau". Từ 1 triệu USD ban đầu tới 10 triệu USD rồi 30 triệu USD - chất xúc tác ở đây chính là niềm tin của họ. Họ tin rằng mình làm được.
Tôi không nghĩ yếu tố quyết định là khả năng, sự tài giỏi bởi rất nhiều người giỏi giang, có tài nhưng người giàu có khác ở chỗ, họ rất tin vào bản thân mình.
Thậm chí, vào một số thời điểm, họ không nghe bất cứ ai ngoài bản thân. Họ học cách tin tưởng chính mình thật nhiều bởi vì nó giúp họ thành công.
> Bài học quan trọng nhất mà tầng lớp trung lưu học hỏi được từ giới siêu giàu là gì?
- Theo tôi, đó là việc có tiền, kiếm ra tiền và giàu có hoàn toàn mang nghĩa tích cực. Chẳng có gì xấu xa trong những thứ này cả.
Những người muốn giàu có phải loại bỏ mọi suy nghĩ, quan điểm tiêu cực liên quan tới tiền bạc như: mê tiền là cội rễ của tội lỗi. Tôi nghĩ, thử thách lớn nhất đối với một người bình thường chính là quan điểm tích cực về việc trở nên giàu có.
Theo VTC
Thực hiện bài: Khánh Huyền
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
_*̡͌l̡*̡̡ ̴̡ı̴̴̡ ̡̡͡|̲̲̲͡͡͡ ̲▫̲͡ ̲̲̲͡͡π̲̲͡͡ ̲̲͡▫̲̲͡͡ ̲|̡̡̡ ̡ ̴̡ı̴̡̡ *̡͌l̡*̡̡_ NỘI QUY _*̡͌l̡*̡̡ ̴̡ı̴̴̡ ̡̡͡|̲̲̲͡͡͡ ̲▫̲͡ ̲̲̲͡͡π̲̲͡͡ ̲̲͡▫̲̲͡͡ ̲|̡̡̡ ̡ ̴̡ı̴̡̡ *̡͌l̡*̡̡_
- Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu khi viết bình luận.
- Nội dung phải liên quan đến chủ đề bài viết.
- Không dùng lời lẽ khích bác, thô tục ảnh hưởng đến người khác.
- Không đặt link đến Blog/Web khác.
- Những góp ý, thắc mắc không liên quan các bạn
vui lòng liên hệ email: lamchuvanmenh93@gmail.com để được hỗ trợ